Chip dùng cho cảm biến thắng giải thiết kế vi mạch TP HCM

Thứ bảy, 18/05/2024, 20:30 GMT+7
Chip dùng cho cảm biến thắng giải thiết kế vi mạch TP HCM

Chip dùng cho cảm biến thắng giải thiết kế vi mạch TP HCM

Chip tăng khả năng thu nhận tín hiệu từ cảm biến, ứng dụng lĩnh vực IoT do sinh viên thực hiện thắng giải thiết kế vi mạch TP HCM với phần thưởng 30 triệu đồng.

Tác giả sản phẩm là Phạm Thế Hùng, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM với công trình "Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm", được trao giải nhất, sáng 18/5.

Cuộc thi có chủ đề "thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh", Hùng tham gia với sản phẩm là dạng mạch xử lý tín hiệu analog thu thập tín hiệu liên tục từ cảm biến, có khả năng xử lý nhiễu và khuyếch đại tín hiệu giúp việc truyền dữ liệu tốt hơn. Chip khi hoàn thiện có thể ứng dụng trong việc thu nhận tín hiệu từ cảm biến môi trường, cảm biến đặt xung quanh ôtô, cảm biến trong nhà thông minh, robot...

Theo Hùng, sản phẩm mới ở dạng thiết kế mô phỏng máy tính, nên cần thực hiện tiếp giai đoạn sản xuất để kiểm tra trên các cảm biến thực tế. Với công nghệ 180 nm được cho là cũ, Hùng cho biết việc này nhằm giảm vấn đề chi phí. Sản phẩm vì thế sẽ hạn chế về mặt hiệu suất, tốc độ của chip nhưng tác giả sẽ tối ưu hóa để đạt hiệu suất tốt nhất trên công nghệ này.

Thạc sĩ Trương Hữu Lý, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM cho biết, giải pháp được hội đồng chuyên môn đánh giá cao vì tiềm năng ứng dụng cho các loại cảm biến trong lĩnh vực IoT. Ông cho rằng sản phẩm của sinh viên cơ bản hoàn thiện thiết kế nhưng để đi đến khâu sản xuất cần tối ưu hóa về tính năng và cần nguồn kinh phí khá lớn.

Giải nhì cuộc thi với phần thưởng 20 triệu đồng thuộc về dự án thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh của sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Giải ba với phần thưởng 10 triệu đồng thuộc về dự án thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT của sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Ban tổ chức trao giải khuyến khích 5 triệu đồng mỗi giải cho bốn nhóm dự án thiết kế chip lĩnh vực bảo mật, nhận dạng chữ số, điều khiển...

Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM Lê Quốc Cường (Trưởng ban tổ chức cuộc thi), nói các dự án sau khi dự thi cần sự hỗ trợ của nhà trường, vườn ươm về cơ sở hạ tầng nghiên cứu, chuyên gia để sản phẩm tiếp tục phát triển. Những dự án đạt giải cao sẽ tiếp tục được Khu Công nghệ cao TP HCM hỗ trợ ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất.

Cuộc thi thiết kế vi mạch TP HCM tổ chức lần đầu tiên bởi Ban quản lý Khu công nghệ cao, Thành đoàn, Sở Thông tin Truyền Thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố, với sự đồng hành của Techtronic Industries Việt Nam (TTI). Sau 5 tháng phát động, cuộc thi thu hút 39 dự án tham gia, chủ yếu đến từ sinh viên. Sau các vòng loại và đào tạo, ban tổ chức chọn 5 dự án vào chung kết xếp hạng. Cuộc thi dự kiến tổ chức thường niên với chủ đề năm 2024 là thiết kế vi mạch ứng dụng cho tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.

Cre: vnexpress

Ý kiến của bạn
đăng ký nhận tin
Văn phòng Trung tâm Ngoại ngữ Bách Khoa:
  • Lầu 1, Nhà C6, trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM số 268 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận10, HCM
  • ĐT: (028) 3866 6869 - Hotline tư vấn khóa học: 0909 625 988 - Hotline phản hồi chất lượng dịch vụ: 0932 187 966
Xem bản đồ
BKEnglish - Quận 10:
  • Cổng 3 trường ĐH Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM số 142 Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10 (Đối diện số 495 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10)
  • ĐT: (028) 3866 6869 - Hotline tư vấn khóa học: 0909 625 988 - Hotline phản hồi chất lượng dịch vụ: 0932 187 966
Xem bản đồ
BKEnglish Thủ Đức:
  • Phòng 108 H6 Trường Đại Học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM cơ sở 2
  • ĐT: Tư vấn khóa học: 0909 625 988 - Phản hồi chất lượng dịch vụ: 0932 187 966
Xem bản đồ